Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Phú Quốc cần học tập Đà Nẵng trong quy hoạch du lịch

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hoạt động vượt mức công suất thiết kế, những tập đoàn lớn đã bắt tay để đầu tư, xây dựng du lịch đảo Ngọc. Phú Quốc đang đứng trước những vận hội và thách thức để vươn tầm khu vực. Liệu Phú Quốc có cơ hội để soán ngôi vương du lịch, trở thành điểm đến của Việt Nam hay không? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) - về chủ đề kinh tế du lịch Phú Quốc.

Hình designed bởi Mạnh Khanh Real

PV: Theo đánh giá của ông, những điểm đến nào của Việt Nam sẽ bứt phá trong 5 năm tới?

+ Đó sẽ là những điểm đến mà trước hết cần có sân bay tốt, vận hành tốt, có sức chứa 2,5 triệu đến 4 triệu hành khách mỗi năm, hiện đang phát triển du lịch.

Ông Kenneth Atkinson - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)

PV: Hạ Long và Phú Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng bứt phá du lịch trong tương lai, thậm chí có người cho rằng hai điểm đến này có khả năng vượt Đà Nẵng về phát triển du lịch. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

+ Tôi đồng ý rằng Hạ Long có tiềm năng phát triển tốt cả khách du lịch quốc tế và nội địa, nhờ có sự gia tăng các sản phẩm du lịch được Sun Group và Vinpearl phát triển và tất nhiên là sân bay quốc tế mới ở Vân Đồn sẽ tạo điều kiện cho các chuyến bay liên khu vực. Phú Quốc sẽ có những thách thức để đạt được sự tăng trưởng đáng kể, một phần do sân bay đã hoạt động vượt công suất thiết kế và cũng cần đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng.

PV: Có thể nói chìa khóa thành công của du lịch Đà Nẵng là đã đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch và tiếp đó là các sản phẩm du lịch đẳng cấp, sáng tạo. Theo ông, cách làm này có thể áp dụng cho các điểm đến khác như Hạ Long, Phú Quốc hay không?

+ Tôi nghĩ là bất kỳ điểm đến nào ở Việt Nam muốn phát triển du lịch bền vững phải xem xét rất kỹ sự thành công của Đà Nẵng, chiến lược và kế hoạch mà họ đã áp dụng và liên tục cập nhật. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể, xem xét tất cả các khía cạnh của sự phát triển là rất quan trọng đối với thành công lâu dài của các điểm đến du lịch.

PV: Theo ông, nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho Phú Quốc có những điểm mạnh, điểm yếu nào và cần phải làm gì để có thể cung ứng được chất lượng dịch vụ tốt nhất cho Phú Quốc?

+ Tôi không có nhiều dữ liệu về chủ đề này, nhưng rõ ràng ngay từ đầu, sự phát triển ở Phú Quốc cũng như nhiều điểm đến cho thấy nguồn nhân lực sẽ là một thách thức lớn. Tôi nghĩ dân số của đảo vài năm trước chỉ dưới 100.000 người và hiện có hơn 27.000 phòng khách sạn, biệt thự, condotel 3-5 sao đang hoạt động, được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng, đã cần một lực lượng lao động là 40.000 người, chưa kể lực lượng lao động cho các dịch vụ khác như sân bay, tài xế, hướng dẫn viên, nhà hàng, cửa hàng bán quà lưu niệm v.v… Ở Phú Quốc chắc chắn không có đủ cơ sở và cũng như chỗ ở cho số lượng lao động nhập cư cần thiết để phục vụ các cơ sở.

PV: Mỗi điểm đến nên có những định hướng khác nhau để tạo thương hiệu riêng. Hạ Long và Phú Quốc, theo ông nên đi theo con đường nào để có thể xây dựng thương hiệu riêng cho mình?

+ Nếu chúng ta nhìn vào câu hỏi một cách đơn giản hơn thì Hạ Long có yếu tố di sản và ở đây tính bền vững là chìa khóa, với trọng tâm là giải quyết chất lượng nước và an toàn của tàu du lịch. Tuy nhiên, chỉ di sản thôi không đủ, cần phải có các sản phẩm và cơ sở vật chất khác để thu hút du khách và khách du lịch gia đình nói riêng. Phú Quốc là một hòn đảo và điểm thu hút chính là bãi biển, biển, hải sản và nước mắm! Vì vậy, Phú Quốc cần xem xét các sản phẩm có thể được thêm vào để tạo sự bền vững và thu hút các khách du lịch gia đình.

PV: Xin cảm ơn ông!

MINH ANH (THỰC HIỆN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét